TÌNH HÌNH XÂM NGẬP MẶN ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG, LAO ĐỘNG,VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỈNH TRÀ VINH

Ảnh: Bản đồ địa lý tỉnh Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh nằm ở Phía Đông Nam Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên khoảng 2.300 km², tỉnh nằm giữa 02 con sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu nên hàng năm thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, thủy triều dâng cao, xâm nhập mặn đã tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mùa khô năm 2019-2020 tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn so với những năm trước. Từ đầu tháng 12/2019 ranh giới mặn 4‰ có chiều dài ảnh hưởng trên 60km cả phía sông Cổ Chiên (tại Cống Cái Hóp là 8,7‰) và sông Hậu (Vàm Bông Bót là 4,9‰) xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Mặt khác, do tình trạng mặn tăng đột biến vào các kỳ triều cường, không thể lấy nước ngọt vào nội đồng nên tình hình mực nước trong nội đồng chưa đảm bảo cho sản xuất (tại cống Trà Cú 0,38m, mức đảm bảo là từ 0,5m trở lên), trong khi đây mới là thời điểm vào đầu mùa vụ Đông Xuân.

Đầu năm 2020, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, độ mặn cao nhất đo được tại các sông chính của tỉnh thường xuyên ở mức vượt ngưỡng cho phép, đỉnh mặn cao nhất năm nay xuất hiện vào tháng 02 có nơi xuất hiện vào tháng 01, so với cùng kỳ thời gian năm 2019 cao hơn từ 1 đến 9,5, so với năm 2016 (năm mặn lịch sử), có nơi thấp hơn 6,5%o, có nơi cao hơn 2,5. Ranh giới mặn 4‰ thời kỳ đỉnh điểm của xâm nhập mặn cách cửa biển 60 – 65km. Nguồn nước ngọt lấy từ các cống đầu mối và dẫn từ Vĩnh Long về chưa thể cung cấp đến các vùng xa của tỉnh, do đó mực nước trong nội đồng một số nơi không đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống của người dân Trà vinh.

 Ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trực tiếp là Cây lúa. Vụ mùa 2019-2020: Diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn, mặn 381,86 ha; tập trung tại huyện Châu Thành và Trà Cú, cụ thể:

            + Diện tích thiệt hại từ 30% đến 70%: 98,15 ha (huyện Châu Thành);

            +Diện tích thiệt hại >70%: 283,71ha (huyện Châu Thành 48,84ha; Trà Cú 234,87 ha).

- Cây màu và cây ăn trái: Thiệt hại 77,03 ha hoa màu (thiệt hại 30-70% là 28,41 ha, trên 70% là 48,62 ha) và 271,341 ha cây ăn trái (thiệt hại 30-70% là 31,279 ha, trên 70% là 240,062 ha).

- Về nước sinh hoạt: Tổng số hộ bị thiếu nước sinh hoạt thời điểm cao nhất (so với số hộ bị thiếu nước thời điểm cao nhất năm 2015-2016). Trong đó, đến cuối năm 2019 còn 8.662 hộ thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn. Đến thời điểm hạn mặn gay gắt nhất, giữa tháng 3/2020 phát sinh thêm 2.950 hộ thiếu nước. Tổng cộng số hộ thiếu nước do bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 11.612 hộ.

           - Ảnh hưởng đến đời sống- Lao động việc làm của người dân: Tình hình xâm ngập mặn không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, nước sinh hoạt cây ăn trái, cây công nghiệp…. Cũng do tác động của xâm nhập mặn, diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Hầu như toàn bộ vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đều bị tác động. Những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu và Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Số liệu thống kê ban đầu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho thấy, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 3.771ha, chưa kể diện tích nuôi cá tra và cá lóc bị thiệt hại. Trà Vinh là tỉnh đứng thứ hai sau tỉnh Cà Mau có khoảng 70% diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại. Tình hình đó đã dẫn đến thực tế thiếu nguồn nguyên liệu tại các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh. Từ đó đã đẫn đến người lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc bị mất việc ở các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản sẽ ảnh hưởng đến giảm hoặc mất thu nhập làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Tính đến tháng 6/2020, Trà Vinh có 5.137 lao động mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó ở nông thôn người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ xâm nhập mặn đến đời sống sinh hoạt cũng như trong sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt đã làm cho lao động ở nông thôn thiếu việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng. Đây là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình hình xâm nhập mặn vừa qua.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong những tháng đầu mùa khô năm 2020–2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 20 - 35% so với TBNN .Trên địa bàn tỉnh từ nay đến tháng 11/2020, xâm nhập mặn xuất hiện ở vùng cửa sông, khả năng độ mặn bắt đầu xâm nhập vào trong sông từ đầu tuần giữa tháng 12/2020 (thấp hơn cấp độ 1). Thời điểm xâm nhập mặn (rủi ro cấp độ 1) xấp xỉ trung bình nhiều năm (nửa đầu tháng 01/2021). Độ mặn xâm nhập sâu vào trong sông cao nhất ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trên sông Cổ Chiên và sông Hậu độ mặn 4 xâm nhập sâu nhất khoảng 54-56km (cấp độ 2). Trên sông Long Toàn, độ mặn 4 duy trì toàn tuyến sông (rủi ro cấp độ 2).  Cần thực hiện các giải pháp:

- Tăng cường công tác dự báo, cánh báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; Phổ biến rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng đến người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp thủy lợi, như: Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng ,chống hạn, mặn sớm đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các công trình điều tiết nước trọng điểm, có vai trò quan trọng đến bảo vệ nguồn nước ngọt của các nhà máy nước sinh hoạt nhằm chủ động ứng phó với tình trạng hạn, mặn; khơi thông dòng chảy, trữ nước tại các khu vực chưa có công trình thủy lợi khép kín.

- Tổ chức vận hành hợp lý các công trình thủy lợi tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép và ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Phối hợp chặt chẽ với tỉnh bạn trong việc điều tiết, dẫn nước ngọt về tỉnh.

- Bố trí lịch thời vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020-2021 nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang cây trồng cạn. Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn.

- Đối với nuôi trồng thủy sản, cần xác định vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp; có kế hoạch thả giống phù hợp, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay đổi nước thường xuyên; chủ động thu hoạch thủy sản khi đạt kích thước thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra.

- Rà soát diện tích cây ăn trái, chi tiết đến từng loại cây vùng bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tổ chức hướng dẫn bằng tài liệu, truyền thông trên báo đài hoặc các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức các giải pháp ứng phó với hạn, mặn đến người dân, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây.

         - Đối với nước sinh hoạt: Các khu vực sử dụng nguồn nước mặt cho sinh hoạt, phải giải quyết độc lập, tách bạch với nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng cho nguồn nước sinh hoạt, tránh nguy cơ ô nhiễm từ chất thải của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, khoanh vùng, cân đối nguồn nước cho sinh hoạt trong điều kiện bình thường và trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh nước sinh hoạt cho người dân.

        - Đối với lao động việc làm: Đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động về các kế hoạch, quy hoạch để người dân tự lựa chọn nghề học thông qua các mô hình sinh kế. Đào tạo nghề để chuyển đổi việc làm cần tập trung vào lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên những vùng khó khăn, những địa bàn có nhiều nguy cơ chịu tác động của xâm nhập măn.

Tin, ảnh: Nguyễn Khiêm




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 338
  • Trong tuần: 7 341
  • Tất cả: 1306946