Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyếtsố 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 26/8/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến dự có đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ. Tại điểm cầu trực tuyến Trà Vinh, có đồng chí Nguyễn Văn Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội, Sở Tài chính và Ngân hàng chính sách xã hội tham dự Hội nghị theo Thông báo số 2383/TB-LĐTBXH ngày 25/8/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh: Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến với Sở Lao động –Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe lãnh đạo Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội thông qua báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tính đến 17h00 ngày 25/8/2021, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg như sau:

          1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19 (mua trang thiết bị phòng dịch, tiêm vắc - xin,…).

2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

31/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 261 đơn vị sử dụng lao động cho 45.000 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 293,6 tỷ đồng.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Hiện nay, các địa phương còn thực hiện giãn cách xã hội nên đang triển khai rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có 03 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 1.200 lao động trong phương án đào tạo để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ngãi và Quảng Bình.

4. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

Có 32/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho 89.400 người lao động và thực hiện chi trả cho trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó, hỗ trợ bổ sung cho 426 lao động đang mang thai; trên 4.800 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động) với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 174,7 tỷ đồng.

5. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc

Có 18/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho trên 5.600 người lao động và thực hiện chi trả cho gần 3.000 lao động ngừng việc (trong đó, hỗ trợ bổ sung cho 82 lao động đang mang thai; trên 1.300 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động) với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 4,3 tỷ đồng.

6. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động

Có 09/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ trên 360 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó, hỗ trợ bổ sung cho 19 người lao động đang mang thai; 62 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động), tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 280 người với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.

7. Chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em

Có 40/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn 96.300 đối tượng, trong đó có 27.500 người là F0 và 121.200 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 6.000 trẻ em. Đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ là trên 117,8 tỷ đồng và hỗ trợ bổ sung cho trên 3.600 trẻ em. Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly. 

Trên cơ sở quy định chung của Chính phủ, các tỉnh Bạc Liêu và Hòa Bình đã quy định người lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người (theo quy định chung) và được hỗ trợ bổ sung 01 triệu đồng đối với người mang thai và 01 triệu đồng/trẻ đối với người đang nuôi con dưới 06 tuổi (tương tự nhóm chính sách 7 của Nghị quyết 68). Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ cho 254 người lao động tự do mang thai và gần 3.611 trẻ em là con dưới 6 tuổi của người lao động tự do (trong tổng số 73.990 người lao động tự do đã được hỗ trợ).

Theo thông tin báo cáo nhanh của 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các địa phương đã phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho gần 37.900 trẻ em, tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng.

Theo thông tin báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các địa phương đã phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho gần 24.500 giáo viên, tổng kinh phí gần 296,6 tỷ đồng

8. Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch

Có 36/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ gần 4.800 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 8.100 hướng dẫn viên du lịch. Đã chi trả hỗ trợ cho 1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật và 400 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền hỗ trợ là trên 4,1 tỷ đồng.

9. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh

Có 39/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ gần 38.300 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho gần 26.800 hộ với tổng số tiền hỗ trợ là gần 74,5 tỷ đồng.

10. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

Tính đến hết ngày 24/8/2021, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện phê duyệt cho vay 372 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn với số tiền gần 191 tỷ đồng để trả lương cho 55.384 lượt người lao động (đã có 58 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 353 người sử dung lao động, với số tiền 185,5 tỷ đồng để trả lương cho 53.581 lượt người lao động.

11. Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác

46/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách trên 2,4 triệu lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó có khoảng trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động). 35/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ gần 1,2 triệu người lao động tự do, với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng; hỗ trợ gần 700 nghìn đối tượng đặc thù với kinh phí trên 731 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tổng ngân sách nhà nước chi các chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt theo Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 đến ngày 24/8/2021 là trên 1.101 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1,36 triệu đối tượng.

12. Đối với tỉnh Trà Vinh, tính đến ngày 03/9/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt danh sách được 75.117 người (trong đó có 8.175 người bán lẻ vé số), với tổng kinh phí hỗ trợ 115.331.835.000 đồng. Hiện nay đã hỗ trợ cho 73.932 người, với kinh phí 111.711.885.000 đồng, đạt 98,4% so với tổng kinh phí được phê duyệt, số còn lại đang tiếp tục hỗ trợ cho người lao động.

Tại Hội nghị có nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu các tỉnh, thành phố và Bộ ngành Trung ương đánh giá thuận lợi, khó khăn và giải pháp tới về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết luận Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chỉ đạo nhiều giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Sở Lao động –Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. 

   Bài, ảnh: Văn phòng Sở

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 58
  • Trong tuần: 450
  • Tất cả: 1318004