Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và đạt được những thành tựu to lớn. Có được kết quả đó là nhờ sự quyết tâm, tập trung sức lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có sự tham mưu kịp thời, hiệu quả của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Có thể nói, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động là mục tiêu hàng đầu trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì, tạo việc làm tăng thêm cho người lao động, giúp người lao động tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội  v.v…Thực hiện chức năng trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cùng toàn thể cán bộ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đã và đang làm tốt  công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp về việc làm và thị trường lao động, cụ thể như đã tham mưu UBND tỉnh ban hành  Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022-2025; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022-2025 (trong đó hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại doanh nghiệp);

Đặc biệt, trong hai năm 2020-2021, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai nhanh và hoàn thành tốt việc thực hiện các chính sách, các giải pháp phù hợp, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị mất việc làm, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh tế theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả Trà Vinh đã hỗ trợ cho hơn 575 ngàn đối tượng người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch với số tiền hơn 552 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ hơn 152 tỷ đồng, hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP hơn 552 tỷ đồng, hỗ trợ theo theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg hơn 6 tỷ đồng.

Ngoài thực hiện tốt các chính sách chung của Trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu ban hành chính sách đặc thù để giải quyết việc làm cho người lao động và được Trung ương, Tỉnh ủy, UBND đánh giá cao như Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 09/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị (Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng; Chỉ thị 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề.

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song với quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công tác duy trì, giải quyết việc làm cho người lao động đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 19.643, đạt 85,40% so với kế hoạch, đưa 292 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 32,44% so với kế hoạch. Năm 2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 25.428, đạt 110,55% so với kế hoạch, đưa 915 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 101,67% so với kế hoạch.

Để đạt được kết quả đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương duy trì thực hiện hiệu quả các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm cho người lao động, cụ thể: Hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển sản xuất, kinh tế gia đình; chú trọng xây dựng hợp tác xã, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ; duy trì chỉ tiêu xuất khẩu lao động hằng năm.... Năm 2021-2022, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thẩm định, phê duyệt cho vay 8.485 dự án từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo việc làm mới cho 8.485 lao động với số tiền trên  548.644 triệu đồng; hỗ trợ cho vay 655 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền 47.366 triệu đồng.

Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì tốt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. Các phiên giao dịch việc làm được Trung tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đã góp phần kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với người lao động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trung tâm đẩy mạnh các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến online qua Website, Zalo, điện thoại; thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp được công bố rộng rãi, liên tục tới người lao động thông qua các kênh truyền thông của địa phương.

Cách thức tổ chức, giới thiệu việc làm cũng được đổi mới linh hoạt theo hướng doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng đăng tải trên website của trung tâm. Về phía người lao động chỉ cần một phương tiện có kết nối internet là có thể tìm hiểu thông tin việc làm, đăng ký thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến. Giai đoạn 2021-2022, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và các huyện tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm ( trong đó có 07 phiên giao dịch việc làm trực tuyến), tư vấn cho gần 33.351 lượt người, giới thiệu việc làm cho 1.889 lao động. Tại các phiên giao dịch, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề đã giới thiệu hàng trăm vị trí việc làm, tuyển sinh và học nghề, giúp người lao động tiếp cận được với công việc phù hợp.

Những đổi mới kịp thời phù hợp với diễn biến dịch bệnh đã giúp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm không bị đình trệ, hỗ trợ kịp thời người lao động trong tìm kiếm việc làm mới, lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.

Cùng với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng với cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh; phát triển nhanh, đa dạng, hiệu quả một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: Du lịch, vận tải, kho bãi, dịch vụ Logistic, thương mại, viễn thông, y tế chất lượng cao... góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn nhằm tạo việc làm bền vững.

Do đó, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể năm 2008, lao động làm việc trong nông-lâm-thủy sản chiếm 61,57%, đến cuối năm 2022, lao động làm việc trong nông – lâm – thủy sản xuống còn 36,6%; lao động làm việc trong ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 14,48% năm 2008 lên 30,2%  vào cuối năm 2022; lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng từ 23,95% năm 2008 tăng 33,2%  vào cuối năm 2022.

Tỉnh Trà Vinh phấn đấu mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho 23.000 lao động; đưa 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài; nâng tỷ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70%, trong đó có 36% có bằng cấp chứng chỉ. Để đạt mục tiêu tỉnh đã đề ra các các giải pháp cụ thể như sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động về chính sách giải quyết việc làm và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường công tác tư vấn cho người lao động nói chung và người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội thảo việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, và tại các huyện.

2. Khảo sát nhu cầu việc làm của người dân tộc, học sinh ở nông thôn mới tốt nghiệp ra trường, tăng cường cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến với người lao động thông qua cộng tác viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các xã, phường, thị trấn; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm của các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện. Thực hiện tốt việc thu thập thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề tại xã, phường, thị trấn.

3. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, tập trung vốn vào các dự án thu hút nhiều lao động, các ngành nghề mới đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm thêm cho người lao động nói chung và lao động là người dân tộc nói riêng.

4. Tiếp tục củng cố hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đủ mạnh, có uy tín, hoạt động có hiệu quả, đủ sức đáp ứng nhu cầu về việc làm ở mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động.

5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm tăng cường thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giải quyết việc làm. Đồng thời là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức giới thiệu việc làm, các trường và cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

6. Tăng cường liên kết tuyển dụng, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác, đặc biệt ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân tộc đã qua đào tạo; Liên kết với các công ty xuất khẩu lao động ở Tp. HCM, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, tuyển dụng, cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

7. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về việc làm, dạy nghề theo quy định của Trung ương và địa phương.

8. Triển khai thực hiện kịp thời Chương trình hỗ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2023; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023; Chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 và Chương trình phát triển thanh niên năm 2023 lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện điều tra, cập nhật thông tin cung - cầu lao động năm 2023. Triển khai đầu tư dự án Sàn giao dịch việc làm điện tử từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước trên địa bàn tỉnh.

 

Bài viết: Văn Thiện




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 76
  • Trong tuần: 468
  • Tất cả: 1318022