1. Khi nghỉ việc cần lấy giấy tờ gì?
Khi nghỉ việc, để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần lấy lại các giấy tờ sau:
Giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động: Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây:
- Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp.
- Giấy xác nhận của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng lao động với các thông tin về người lao động, loại hợp đồng lao động đã ký, lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động…
Do vậy, khi tiến hành thanh lý hợp đồng lao động với phía doanh nghiệp, người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng.
Nếu doanh nghiệp cố tình không chịu cung cấp giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động, gây ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể tiến hành thủ tục khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phổ biến quy trình khiếu nại trong những bài viết trước đây).
2. Yêu cầu trả sổ bảo hiểm xã hội sau khi đã chốt thời gian đóng
Hiện nay, khi ký hợp đồng lao động và có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), mỗi người lao động sẽ được cấp 01 cuốn sổ BHXH để ghi nhận quá trình đóng và hưởng bảo hiểm. Theo Điều 18 Luật BHXH năm 2014, sổ này sẽ được cấp và giao cho người lao động tự quản lý nhưng trên thực tế thường do người sử dụng lao động giữ để tiện làm các thủ tục hưởng chế độ. Khi nghỉ việc, người lao động phải lấy lại sổ BHXH để có thể hoàn thiện đủ giấy tờ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền bảo hiểm xã hội 1 lần sau này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi nhận sổ BHXH cần xác nhận lại xem doanh nghiệp đã chốt thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan BHXH hay chưa. Nếu sổ BHXH chưa chốt, cơ quan BHXH sẽ không giải quyết chế độ cho người lao động.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
Trường hợp không chốt sổ BHXH cho người lao động thì tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 01 – 20 triệu đồng. Đặc biệt, ngay cả khi đã chốt sổ BHXH theo quy định nhưng cố tình không trả lại cho người lao động, người sử dụng lao động cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, với mỗi người lao động không được trả sổ BHXH sau khi nghỉ việc, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 01 – 04 triệu đồng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp cố tình không chốt và trả lại sổ BHXH thì người lao động hoàn toàn có thể tố cáo hành vi vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phổ biến quy trình khiếu nại trong những bài viết trước đây).
3. Yêu cầu thanh toán những khoản tiền sau:
- Tiền lương chưa được thanh toán: Khi chấm dứt hợp đồng lao động, mọi người lao động đều được nhận khoản tiền này. Theo Điều 48 BLLĐ năm 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.
- Tiền trợ cấp thôi việc: Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động, nếu làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng cho doanh nghiệp, người lao động sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc.
- Tiền phép năm chưa nghỉ hết: Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết mà phải nghỉ việc thì người lao động sẽ được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Trường hợp người lao động chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết mà phải nghỉ việc thì có thể được thanh toán tiền nghỉ phép năm theo khoản 3 Điều 113 BLLĐ 2019 như sau:
Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Những chính sách mà người lao động được hưởng sau khi nghỉ việc.
4.1. Hỗ trợ học nghề.
Theo Điều 55 Luật Việc làm, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng có thể làm hồ sơ để nhận khoản hỗ trợ này.
Để được hưởng hỗ trợ học nghề, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
Trường hợp đang chờ giải quyết hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại nơi hưởng: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.
Trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương khác: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề và Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp đủ điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:
+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
+ Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu.
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng …
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp thứ ba, để hưởng hỗ trợ học nghề, hồ sơ mà người lao động nộp sẽ phải có sổ BHXH. Trong khi đó, nếu đang chờ giải quyết hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trước đó, người lao động đã phải nộp sổ BHXH cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Do đó, sau khi nghỉ việc, nếu người lao động không lấy lại sổ BHXH thì sẽ không nhận được hỗ trợ học nghề. Nếu không làm thủ tục hưởng thì người lao động sẽ mất quyền lợi này mà không được cộng dồn cho lần hưởng sau.
4.2. Trợ cấp thất nghiệp
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay sau khi nghỉ việc, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 47 Luật Việc làm năm 2013. Cụ thể như sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
- Đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bản chính/bản sao có chứng thực/bản sao kèm bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Bản chính sổ bảo hiểm xã hội.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp. (Trừ các trường hợp: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…)
Như vậy, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, sổ BHXH là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ. Nếu không có sổ BHXH, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không hợp lệ.
Tuy nhiên, nếu chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay thì số tiền trợ cấp thất nghiệp này không mất đi mà thời gian tham gia BHXH sẽ được bảo lưu, cộng dồn cho lần hưởng tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện.
4.3. Hưởng BHXH một lần
Nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt, người lao động sau 1 năm kể từ khi nghỉ việc sẽ được lấy BHXH 1 lần (theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 95/2013/QH13).
Theo hướng dẫn tại Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 hồ sơ đề nghị nhận BHXH 1 lần trong trường hợp này gồm:
- Bản chính Sổ bảo hiểm xã hội.
- Bản chính Đơn đề nghị.
Nếu không có sổ BHXH, hồ sơ sẽ bị thông báo là không hợp lệ. Do đó, nếu muốn nhận số tiền này, người lao động bắt buộc phải lấy lại sổ BHXH sau khi nghỉ việc.
Nếu chưa rút BHXH một lần ngay, người lao động sẽ không mất đi quyền lợi. Thời gian tham gia BHXH sẽ được bảo lưu đến khi có đủ hồ sơ để thực hiện thủ tục rút một lần.
VĂN THIỆN