Các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo bền vững

TRÀ VINH TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CHO HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN SINH KẾ VÀ TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN ĐỂ THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019, toàn tỉnhTrà Vinh còn 9.214 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,22% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh (trong đó: có 8.832 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, chiếm tỷ lệ 95,85%; 382 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chiếm tỷ lệ 4,15%) và 19.474 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,80%.

Nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được các địa phương xác định là do chưa đảm bảo được sinh kế và thiếu hụt các dịch xã hội cơ bản. Trong đó, có 3.327 hộ thiếu vốn sản xuất có nhu cầu hỗ trợ vốn, 748 hộ có thành viên không có việc làm hoặc thiếu việc làm, 1.094 hộ có thành viên sống phụ thuộc, ăn theo, 2.755 hộ thiếu lao động do đa số thành viên trong hộ bị ốm đau, bệnh tật kéo dài, 1.736 hộ có ít nhất 01 thành viên từ 15 tuổi đến 30 tuổi không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không đi học, 580 hộ có ít nhất 01 thành viên từ 5 tuổi đến dưới 15 tuổi hiện không đi học, 3.862 hộ đang sống trong nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ, 308 hộ không được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh để sinh hoạt hàng ngày, 5.075 hộ không có hố xí hợp vệ sinh,…

Nhằm hỗ trợ các điều kiện cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được phát triển sinh kế, đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm góp phần nâng mức sống của hộ nghèo ngang bằng mức sống trung bình của cộng đồng dân cư; hỗ trợ cho hộ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang bị thiếu hụt, giúp hộ nghèo đảm bảo điều kiện để thoát nghèo bền vững. Từ mục tiêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 16/7/2020 về hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sinh kế, đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm năm 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra 09 giải pháp hỗ trợ nhằm hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ tiếp cận giáo dục, hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ tiếp cận nước sạch, hỗ trợ hố xí hợp vệ sinh, hỗ trợ tăng thêm thu nhập và trợ cấp xã hội. Cụ thể:

 Thứ nhất, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 3.327 hộ nghèo đang thiếu vốn để phát triển sinh kế, có nhu cầu hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, mức hỗ trợ cho vay tối đa 100 triệu đồng, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nghề cho 611 người thuộc hộ nghèo trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động, có nhu cầu học nghề; nội dung hỗ trợ gồm chi phí đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo quy định từ nguồn ngân sách cấp huyện.

Thứ ba, hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm cho lao độngvới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động cho 1.018 người thuộc hộ nghèo.

Thứ tư, hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo chính sách hiện hành; hỗ trợ phương tiện đi học (xe đạp), các chi phí học tập trực tiếp như: Mua sách, vở, các đồ dùng học tập khác cho 819 người thuộc hộ nghèo (Trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 15 tuổi hiện không đi học), từ nguồn Ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và nguồn vốn vận động từ cộng đồng.

Thứ năm, hỗ trợ cho 3.134 hộ nghèo đang ở nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ (ngoài đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg) vay vốn tín dụng ưu đãi để cải thiện lại nhà ở, mức cho vay tối đa: 40 triệu đồng/hộ từ nguồn Ngân sách tỉnh và Quỹ an sinh xã hội do cấp tỉnh quản lý.

Thứ sáu, hỗ trợ kéo nước sạch hoặc hỗ trợ dụng cụ trữ nước sinh hoạt cho 308 hộ nghèo chưa được tiếp cận nước sạch,mức hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộtừ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTgvà nguồn Quỹ an sinh xã hội cấp huyện và vận động từ cộng.

Thứ bảy, hỗ trợ xây dựng hố xí hợp vệ sinh cho 5.075 hộ nghèo chưa được tiếp cận hố xí hợp vệ sinh, mức hỗ trợ: 03 triệu đồng/hộ từ nguồnQuỹ An sinh xã hội của tỉnh (ngoài mức hỗ trợ; hộ gia đình tham gia đóng góp, huy động dòng họ hỗ trợ hoặc vay vốn ưu đãi từ Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đảm bảo hộ đủ nguồn kinh phí xây dựng hố xí hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn, giá thành khoảng 10 triệu đồng/hố xí).

Thứ tám, hỗ trợ tăng thêm thu nhập hàng tháng cho 1.094 hộ nghèo có tỷ lệ người sống phụ thuộc, ăn theo trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 65% (người sống phụ thuộc, ăn theo là người không có khả năng lao động, không tạo ra thu nhập, bao gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em,…); có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 700.000 đồng, mức hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/hộ/tháng, từ nguồn Quỹ an sinh xã hội cấp huyện và kinh phí do cấp huyện, xã vận động từ cộng đồng.

Thứ chín, trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.666 người thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động do mắc bệnh hiểm nghèo, mắc các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của cơ quan y tế, chưa đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tối thiểu 200.000 đồng/người/tháng, từ nguồn Quỹ an sinh xã hội cấp huyện và kinh phí do cấp huyện, xã vận động từ cộng đồng.

Hy vọng rằng, với các giải pháp về hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sinh kế, đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm năm 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh sẽ góp phần nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho hộ nghèo và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều ngày càng mạnh mẽ hơn.

Bài viết: Tấn Phước




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 1 307
  • Tất cả: 1316590