Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2023
Ngày 14/01/2023 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Trung ương. Điểm cầu tỉnh Trà Vinh do Ông Lê Thanh Bình, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự và chủ trì hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

    Trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm năm 2022, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19. Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Chúng ta đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Chúng ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Lê Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tỉnh Trà Vinh

    Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động của chúng ta phục hồi nhanh chóng, đã giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID -19. Chúng ta đã đưa gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ,…

     Để đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là do toàn Ngành đã dồn lực trong việc tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời nhằm ổn định thị trường lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi sản xuất và các chính sách an sinh xã hội ngắn hạn và lâu dài. Bên cạnh đó là sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐTBXH và sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương, qua đó đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi và bắt đầu tạo lập được sự ổn định.

    Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.

    Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề xã hội phía trước chúng ta cần phải giải quyết trước mắt trong năm 2023 và thời gian tới, đó là:

    1. Vấn đề già hoá dân số: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng như: thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... 

    2. Sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm: Đó chính là vấn đề di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng.

    3. Vấn đề biến đổi khí hậu đe doạ tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,...

    4. Vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, đó là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện như: bảo hiểm xã hội, năng suất thấp, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động,...

    5. Vấn đề hiện thực hoá khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

    Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội nhằm góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành sau:

    1. Bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

    2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội.

    3. Ổn định và phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững hiệu quả và hội nhập, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

    4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

    5. Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số.

    6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, “tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

                                                                   Tin và Ảnh: Nguyễn Văn Bé

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 392
  • Trong tuần: 7 395
  • Tất cả: 1307000