Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022
Chiều ngày 12/01/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Lao động- Người có công và Xã hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; các đơn vị trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố. Tham dự Tại điểm cầu VNPT Trà Vinh có đồng chí Nguyễn Văn Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội 9 huyện, thị xã, thành phố tham dự Hội nghị.

Ảnh: Đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến của Bộ Lao động –TBXH tại điểm cầu VNPT Trà Vinh

    Tại Hội nghị, đại biểu được xem phim phóng sự thay báo cáo kết quả công tác lao động, người có công và xã hội năm 2021. Kết quả trong năm 2021, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” và 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Trong đó, đã cụ thể hóa các mục tiêu về Lao động, Người có công và Xã hội được Quốc hội giao thành 18 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể, phân công cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả đáng kể về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ khôi phục kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ nhân dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và gắn với thực thi nghiêm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Thực hiện kịp thời các giải pháp, chính sách về lao động - việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,9%; duy trì 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. ước đạt 65% số người nghiện có hồ sơ quản lý; tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 35,6%. Bảo đảm 100% các trường hợp nạn nhân bị buôn bán đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Cắt giảm, đơn giản hóa 81 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên tổng số 235 quy định, chiếm tỷ lệ 34,47%, dự kiến tiết kiệm được trên 3,5 tỷ đồng chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh.

    Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%. Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; chất lượng lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất cập. Vẫn còn tình trạng nợ đọng BHXH, BHTN kéo dài, người lao động lạm dụng BHTN, số lao động rút BHXH 1 lần tăng mạnh. Tỷ lệ phân luồng vào học nghề còn thấp; đào tạo nghề chuyển sang hình thức trực tuyến, chất lượng bị ảnh hưởng. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông; nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ bị tử vong do COVID-19... tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp.

    Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội triển khai 06 nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 đó là:

    1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế; tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất và thông thoáng.

    2. Ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

    3. Nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới.

    4. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các chính sách giảm nghèo. Tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.

    5. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, thụ hưởng đầy đủ chính sách và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

    6. Nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo là rất nặng nề, Bộ đề nghị các đơn vị, địa phương cần quan tâm quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động; phát huy sự đoàn kết, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với thực thi pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

                                                                             Bài, ảnh: Văn phòng

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 649
  • Trong tuần: 7 409
  • Tất cả: 1306509