Thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững Từ khi tái lập tỉnh đến nay
Từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Hàng năm, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã chỉ đạo giải quyết việc làm mới đều tăng, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 22.000 người, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng bình quân từ 200-500 lao động. Tính đến cuối năm 2021 tỉnh đã đưa 4.427 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; công tác quản lý và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách về tiền lương, tiền công, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài, phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp; xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp được ổn định, hài hòa về lợi ích của người lao động, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 6% năm 1992 xuống còn 2% vào năm 2021.           Đăc biệt, trong 02 năm gần đây (2020-2021) Trà Vinh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, kết quả đã hỗ trợ cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, người lao động và chủ sử dụng lao động động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số 454.205 lượt đối tượng, với tổng kinh phí trên 601 tỷ đồng.  Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và các thiết bị dạy nghề được đầu tư; chương trình, nội dung đào tạo được cập nhật, đổi mới; các chính sách hỗ trợ, đào tạo người lao động đạt được nhiều kết quả, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68,70%, trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,84% vào năm 2021. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngày càng cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Ảnh: Giải quyết việc làm cho công nhân lao động trong tình hình dịch Covid-19 

    Thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho gia đình chính sách. Đến nay, toàn tỉnh có 64.460 người có công được ghi nhận, tôn vinh. Trong đó, có 19.624 liệt sĩ, 417 đối tượng hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, có 325 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, có 9.811 thương bệnh, binh, 3.360 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 114 mẹ), 12.373 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 8.814 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng, 3.348 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 1.678 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học;…Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ gắn với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” thể hiện sự tri ân sâu sắc, nhờ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện, nâng lên; đến nay có 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

  Chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng, khi tái lập tỉnh, Trà Vinh có gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo, nhưng với sự quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch giảm nghèo; nhiều mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế có hiệu quả kinh tế cao được triển khai và nhân rộng; người nghèo được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng, giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống; một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của tỉnh. Hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và liên tục, đến cuối năm 2021 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng giai đoạn 2016-2020 còn lại 1.650 hộ, chiếm tỷ lệ 0,58%, đạt chỉ tiêu giao (trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer còn 779 hộ, chiếm tỷ lệ 0,88% so với số hộ dân tộc Khmer); hộ cận nghèo còn 13.458 hộ, chiếm tỷ lệ 4,69% đạt chỉ tiêu đề ra.

    Quan tâm thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp bảo hiểm y tế đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng không nơi nương tựa tại các Cơ sở bảo trợ xã hội; chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 04 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập; trợ cấp xã hội hàng tháng cho 37.595 đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ thêm hàng tháng cho 458 người từ 60 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng từ nguồn Quỹ an sinh xã hội của tỉnh và hàng năm cấp khoảng 26.000 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, các ngành có liên quan phối hợp thực hiện tốt chính sách giáo dục đào tạo; y tế, bảo hiểm xã hội; nhà ở, nước sạch, thông tin,…góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

    Điều đó cho thấy, hệ thống chính sách và pháp luật về an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện; đối tượng thụ hưởng ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực an sinh xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 1 256
  • Tất cả: 1317256