BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SƠ KẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2021
Ngày 16/7/2020 tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm về lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội.           Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng các đồng chí Thứ trưởng, thủ trưởng các Vụ, Cục, Trung tâm trực thuộc Bộ.           Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có đại diện Ban Giám Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và đại diện các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở. Đến dự tại điểm cầu VNPT Trà Vinh có đồng chí Nguyễn Văn Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, thủ trưởng các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở và Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đến dự Hội nghị.           Tại Hội nghị Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm về lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội. Phát huy những kết quả đạt được năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, ngay từ những ngày đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Bộ đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; kiến nghị nhiều biện pháp về lao động, việc làm để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Đặc biệt, Bộ đã đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. 

Ảnh: Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến 

    Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động và cung ứng nhân lực trên thị trường lao động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùngkỳ năm trước; số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận,... Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. Dự báo thị trường lao động Việt Nam Quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người.

    Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khi dịch bùng phát mạnh trên thế giới, Bộ đã chỉ đạo tạm dừng tuyển chọn, đào tạo và tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết tháng 5/2020; đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, kiểm soát chặt chẽ số lao động xuất cảnh; yêu cầu các Ban quản lý lao động ở nước ngoài thông tin tới người lao động bình tĩnh ở lại làm việc, tuân thủ quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch bệnh, không di chuyển, không đến địa bàn có dịch; tăng cuờng công tác quản lý, nắm tình hình và đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

    Ước 6 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 574 nghìn người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 540 nghìn người, bằng 76,1% cùng kỳ; đưa trên 34 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62,4%.

    Tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; tiếp tục đào tạo thí điểm cho 22 nghề cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức. Tổ chức cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội; song song với việc tiếp tục giảng dạy, học tập bằng hình thức trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm ước khoảng 776,2 nghìn người, đạt 34,3% kế hoạch; trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 26,2 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 750 nghìn người.

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hết tháng 6/2020 có 15,17 triệu ngườitham gia bảo hiểm xã hội, giảm 604 nghìn người so với thời điểm hết năm 2019 (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,534 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện khoảng 636 nghìn người); 12,773 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm 656 nghìn người so với cuối năm 2019.

     Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tập trung triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CPbảo đảm công khai, minh bạch, thận trọng, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trục lợi chính sách. Cơ bản, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lên danh sách và chi trả trực tiếp đến các nhóm đối tượng thụ hưởng.

      Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.Rà soát, tổng hợp tình hình giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các địa phương; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh -  Liệt sĩ; trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 315 liệt sĩ, cấp đổi lại trên 6.500 bằng Tổ quốc ghi công.

      Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội; nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hộivới tổng kinh phí trên 17 nghìn tỷ đồng. Đảm bảo cho các đối tượng yếu thế đón tết Canh Tý vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm.

     Thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…). Nhân rộng các mô hình, cách làm hay giúp dân giảm nghèo ở các địa phương; hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Ngân hàng Chính sách xã hội gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giải ngân cho vay mới, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.Giảm nghèo dần đi vào thực chất hơn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh. Công bố kết quả giảm nghèo cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 giảm xuống còn 3,75%, giảm 1,48% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm 5,78% so với cuối năm 2018.

    Báo cáo, giải trình Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội). Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Phối hợp trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chỉ đạo địa phương tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; giảm tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt đuối nước trẻ em. Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em.

     Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các chương trình, đề án về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là các hoạt động nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

     Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; có các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với những trường hợp người nghiện ma túy theo quy định; tổ chức tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy nhằm bảo đảm an toàn và trật tự xã hội; tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; thí điểm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương tại cộng đồng.

    Trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; cùng với những tín hiệu tương đối tích cực từ nền kinh tế, dự báo thị trường lao động sẽ sôi động trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Qua đánh giá, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động - việc làm (giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ tham giao bảo hiểm xã hội, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp) bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch Covid-19 nên đạt thấp so với cùng kỳ, các chỉ tiêu khác của Ngành 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.

    Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Cần Thơ, Quảng Nam, Bạc Liêu, Bắc Giang và Cao Bằng đã trao đổi những kết quả đạt được, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

    Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạomột số nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng còn lại cuối năm 2020 như sau:

    1. Tập trung hoàn thành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ; đặc biệt là Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) các văn bản hướng dẫn, quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Bộ luật Lao động.

    2. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cần tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt lao động hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, sửa đổi điều kiện vay vốn và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020.

    3. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn, phấn đu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu năm 2020; đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các dự án vốn đầu tư công của Ngành; cắt giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách.

    4.Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành. Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung thanh tra diện rộng việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trọng tâm là công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

    5. Tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các hoạt động của Bộ trong năm Chủ tịch ASEAN theo kế hoạch, đặc biệt các hoạt động của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban và chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam.

    6. Tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn đến năm 2020; nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, chính sách cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng mở rộng diện bao phủ các đối tượng cần được trợ giúp và khả thi trong triển khai thực hiện;trong đó, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025; Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội và quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    7. Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền,chủ động cung cấp và tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin và phản hồi về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

    8. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở các cấp và các địa phương nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2020 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Bài, ảnh: Minh Điền

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 40
  • Trong tuần: 1 160
  • Tất cả: 1317423