VĂN HÓA NỀN TẢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
Một quốc gia dân tộc nào cũng có nền văn hóa riêng biệt, chuẩn mực của quốc gia, dân tộc đó. Xã hội của đất nước phát triển cũng từ nền văn hóa phát sinh ra. Bởi văn hóa là chìa khóa mở ra vách ngăn, khai hoang rào chắn để con người với con người sống với nhau có tình, có nghĩa. Để các quốc gia, dân tộc trên thế giới thông hiểu nhau. Cùng chia sẻ cộng đồng trách nhiệm, cùng giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu. Văn hóa còn có chức năng định hướng nhằm giúp con người biết hướng thiên nhiên, biết làm cho các mối quan hệ giữa người với người; giữa con người với thiên nhiên được hài hòa. Văn hóa của con người được thể hiện qua lối sống đạo đức, qua chuẩn mực xã hội. Đặc biệt trong đó đạo đức là giá trị đặc biệt của văn hóa. Nói đến văn hóa đạo đức là nói sâu về chức năng văn hóa; nó hình thành nhân cách văn hóa cho con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Ở đây, văn hóa đạo đức Việt Nam có sức mạnh cảm hóa lòng người. Việt Nam có tấm lòng nhân hậu to lớn. Từng chia ngọt, xẻ bùi cho nước bạn khẩu trang Y tế, vật tư Y tế trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua; sẵn sang chung tay (Nhà nước và nhân dân) để cứu chữa cho bệnh nhân không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài. Không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo giàu nghèo...       Văn hóa đạo đức người Việt Nam luôn có lối sống tương thân, tương ái. Biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Trong ca dao, tục ngữ dân gian Việt Nam, trong giáo dục từ nhà trường được cha ông truyền tụng lại như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” và đôi khi còn có câu: “Lá rách đùm lá nát”. Chỉ hơn nhau tí thôi, họ vẫn sẵn lòng đùm bọc gia cảnh cơ bần hơn mình. Khi giúp đỡ người khác không phải vì họ hơn mà vì đạo đức sống có sẵn trong con người của họ, giúp nhau vì cái tâm, cái đức.

Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin tặng quà cho bệnh nhân nghèo

Chúng ta nhận thấy rõ nhất là những chiến sĩ áo trắng, những tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch. Họ gian khổ ngày đêm ăn uống không đều đặn, giấc ngủ không tròn. Cuộc sống xa gia đình, xa người thân nhưng họ vẫn bám trụ vì cái tâm, cái đức mặc dù gia đình họ vẫn có nhiều sự cố không vui mà họ vẫn không về được. Còn nữa những nhà mạnh thường quân bỏ sức người, sức của để tiếp tế lương thực cho tuyến đầu, cho những con người trong khu cách ly một cách phi lợi nhuận.

Đạo đức con người Việt Nam được thể hiện qua tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Hiển nhiên họ xem đây là bổn phận phải làm hàng năm. Thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh Miền Trung, bão lũ khiến con người lao đao, khổ sở. Thế là người dân Nam, Bắc chung tay chia xẻ miếng cơm manh áo, dựng lại ngôi nhà cho người dân che mưa che nắng. Giờ đây Miền Nam chống dịch, Miền Trung tương trợ từng quả trứng, cọng rau. Người dân còn điều kiện hỗ trợ cho người về quê tránh dịch. Sự giúp đỡ cho mọi người không phải vì họ dư, không phải về quê hương không có dịch mà chỉ là địa phương họ còn chống chọi được, dịch nhẹ hơn. Sự san xẻ ở đây chỉ là lối sống tình người, là tấm lòng nhân hậu của những người con đất Việt.

Trong mùa dịch, nếu chúng ta thấy có những dãy nhà trọ miễn phí còn được tiếp thêm lương thực, thực phẩm. Những chốt dọc đại lộ tiếp tế thức ăn, nước uống nhanh cho đoàn người chia tay Sài Gòn về lại quê hương. Những gói quà nhỏ tiếp thêm sức mạnh cho người cơ nhỡ, cho những người làm việc đêm khuya, cho những người công nhân môi trường thầm lặng... mới thấy được đó là túi quà nhỏ nhưng nghĩa tình sâu nặng làm tăng thêm giá trị đạo đức trong văn hóa của người Việt.

Con người là vốn quý và gia đình là nền tảng của toàn xã hội. Văn hóa đạo đức có tồn tại từ đời này sang đời khác hay không cũng là từ con người mà ra. Trong gia đình, ông bà có lối sống, đạo đức tốt thì sẽ đào tạo được thế hệ con, cháu thảo hiền. Biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Có lối sống giản dị, có tinh thần tương thân, tương ái, có đức tính nhân hậu. Biết yêu quý thiên nhiên không chặt phá rừng bừa bãi tránh được lũ lụt, tránh được thiên tai, cơ cực. Biết bảo tồn tài sản phi vật thể nhằm tuyên truyền cho thế giới biết đến Việt Nam trong tầm cao mới.

Có lối sống tốt, có văn hóa đạo đức chúng ta sẽ có những hành động, cử chỉ cao đẹp, hành vi lịch thiệp, văn minh giúp thế giới nhìn vào Việt Nam thân thiện hơn, gần gũi hơn, tôn trọng hơn. Tạo nguồn thu hút du lịch, giúp xã hội Việt Nam ngày càng phát triển. Ngành giáo dục sẽ tìm tòi nghiên cứu cái hay, cái đẹp, cái văn minh của thế giới, của ông cha đưa vào nhà trường nhằm đào tạo thế hệ trẻ có tri thức đúng chuẩn mực, có tầm cao ngang tầm quốc tế.

Tóm lại, Văn hóa của người Việt Nam nói chung, văn hóa đạo đức nói riêng cần phải tiếp tục lan tỏa hơn nữa những giá trị đạo đức như vậy. Chúng ta cần biến văn hóa đạo đức càng thâm thúy hơn nữa; đồng thời dần xóa bỏ lối sống bất nhân, bất nghĩa. Từng lĩnh vực ngành nghề cần có chuẩn mực văn hóa đạo đức phù hợp để làm thành trì bảo vệ vững chắc lối sống đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân tộc. Từ đại dịch Covid-19 là dịp để con người suy ngẫm.

“Muốn sinh tồn và phát triển phải hợp sức cùng nhau, nêu cao tinh thần văn hóa đạo đức của toàn dân tộc”.

Nguyễn Văn Khiêm - Trưởng Ban VHXH- HĐND tỉnhTrà Vinh

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 77
  • Trong tuần: 1 197
  • Tất cả: 1317460