Hội thảo tăng cường các giải pháp trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em
Ngày 19/12/2020 tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Đến dự có Bà Nguyễn Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên Giáo Trung ương; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI); Bà Phạm Thị Quỳnh Nga, đại diện Tổ chức y tế thế giới cùng 79 đại biểu đại diện các Sở, Ban ngành (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các đơn vị, tổ chức có liên quan của 13 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (về tham dự Hội thảo

Ảnh: Đại biểu dự Hội thảo tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em

   Đến dự Hội thảo, đại biểu được xem Đoạn Video clip về “Gánh nặng do đuối nước trẻ em”; “Kết quả chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam”; tình tình tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em, định hướng công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em ở Việt Nam; cam kết đồng hành các chương trình đuối nước ở trẻ em; chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án phòng, chống đuối nước trẻ em.

   Phát biểu khai mạc Hội thảo Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng: Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới đã phê chuẩn công ước Quốc tế quyền trẻ em. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức đối với việc bảo đảm các quyền của trẻ em và đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam do tai nạn thương tích. Hàng năm vẫn có khoảng khoảng hơn 2000 trẻ em bị tử vong do đuối nước tại Việt Nam. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đia phương quan tâm chỉ đạo. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 5-11-2012 về tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Luật trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

   Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, theo đó công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em đã được các Bộ ngành, địa phương quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo triển khai hàng năm. Nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em được nâng lên, đã huy động được sự tham gia của cộng đồng. Các can thiệp được triển khai đồng bộ hơn, từ việc dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn, xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em đã cứu sống sinh mạng trẻ em giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em. Mạng lưới phòng chống đuối nước trẻ em được triển khai đã tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể và các tổ chức trong triển khai các can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em.

   Bên canh đó, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức như: Nhận thức, kiến thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng chống đuối nước trẻ em còn hạn chế; vẫn còn nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học; nhiều trẻ em còn thiếu kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em; nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại một số nơi còn thấp.

   Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em” diễn ra hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng khi Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã triển khai hơn 30 năm thực hiện công ước Quốc tế quyền trẻ em; Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong đó có mục tiêu 3 “bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”, thì việc triển khai các giải pháp hiệu quả để giảm tử vong do đuối nước cho trẻ em Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong thực hiện các cam kết quốc tế và các quyền của trẻ em. Chúng ta cũng đang triển khai xây dựng các chương trình, đề án chuẩn bị thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và 5 năm giai đoạn 2021-2025.

   Tại Hội thảo, đại diện các Ban, ngành đã chia sẻ một số kinh nghiệm và giải pháp về công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước ở trẻ em như tham luận về “Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em” của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, Ban Tuyên giáoTỉnh ủy Đồng Tháp và các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm rất bổ ích cho công tác phòng, chống đuối nước vùng ĐBSCL hiện nay.

   Kết luận Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên Giáo Trung ương đánh giá cao kết quả Hội thảo với 30 bài tham luận về vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, góp phần giảm thiểu đuối nước ở trẻ em. Trong đó, có 5 ý kiến đều nêu rõ, chỉ ra thực trạng về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em nói chung và Trà Vinh nói riêng và đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, gia đình, người thân và toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

   Trong thời gian tới, Bà Nguyễn Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của cộng đồng. Đặc biệt chúng ta cần quan tâm đến các can thiệp trực tiếp tại cộng đồng, đến việc hỗ trợ trực tiếp trẻ em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng bơi; hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng các kiến thức, kỹ năng để giám sát, quản lý trẻ. Trong đó, vai trò của công tác truyền thông được xem là yếu tố quan trọng, đi đầu trong nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và cả chính các em trong bảo vệ con em của các bậc cha mẹ, thầy cô, tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè mình.…góp phần bảo đảm môi trường an toàn, giảm thiểu đuối nước ở trẻ em.

Bài, ảnh: Minh Điền

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 116
  • Trong tuần: 1 361
  • Tất cả: 1317361