Công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Công tác giảm nghèo bền vững là một trong 06 nhiệm vụ trong tâm của tỉnh Trà Vinh. Trong những năm qua với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể; sự phối hợp của các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, làm chuyển biến khá toàn diện các lĩnh vực xã hội; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đường làng, ngõ xóm, trường, trạm… khang trang, làm thay đổi bộ mặt văn hóa vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nên cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều chủ trương, chương trình, chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện kịp thời đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tầng lớp nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để cụ thể hóa các văn bản, các chủ trương lãnh chỉ đạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 11/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014; Nghị quyết 18/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 về phê chuẩn đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014 – 2020; đồng thời xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững đến năm 2020; trong đó tập trung chỉ tiêu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ước tính đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,67% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh (năm 2015 là 13,23%), trong đó, hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm từ 23,12% năm 2015 còn 3,92% năm 2020.

Để thực hiện công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, xem công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động nói chung và lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng; đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2014 đến 2019 các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đạt được kết quả cụ thể như sau:

Về công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầngduy tu, bảo dưỡng được 623 công trình tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn, với kinh phí 216 tỷ 793 triệu đồng; hỗ trợ 15.474 hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt xây dựng bể chứa, đào giếng, tự tạo nguồn nước sinh hoạt, với kinh phí 20 tỷ 110 triệu đồng theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai 381 dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 6.939 hộ hưởng lợi trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, với kinh phí 68 tỷ 296 triệu đồng; Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ đầu tư 43 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho 4.540 hộ hưởng lợi, trong đó 2.421 hộ dân tộc Khmer, với kinh phí 133 tỷ 750 triệu đồng.

Đối với chính sách về y tế, tỉnh đã hỗ trợ 1.168.497 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kinh phí 754 tỷ 140 triệu đồng; 755.064 thẻ cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số), kinh phí 467 tỷ 954 triệu đồng;  51.734 thẻ cho đối tượng bảo trợ xã hội là người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ tiền ăn, đi lại và chi phí khám chữa bệnh cho trên 482.688 lượt đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí trên 144 tỷ 873 triệu đồng theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đối với chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tính đến nay, tỉnh đã trợ cấp xã hội cho khoảng 36.500 đối tượng; trong đó, có khoảng 13.000 đối tượng là dân tộc thiểu số. Hỗ trợ tiền điện cho 172.231 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, với kinh phí 88 tỷ 113 triệu đồng; trong đó, có 68.893 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, chính sách tín dụng giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ cho 33.534 lượt hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn, số tiền 512 tỷ 509 triệu đồng; 32.924 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số vay vốn, số tiền 490 tỷ 967 triệu đồng; 38.976 hộ dân tộc thiểu số mới thoát nghèo vay vốn, số tiền 633 tỷ 684 triệu đồng; 981 hộ vay vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí 32 tỷ 073 triệu đồng.

 Nhìn chung, các chương trình, chính sách giảm nghèo trong thời gian qua đã triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tích cực. Trong 03 năm 2016 – 2018, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm 11,58%. So với đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 22,62% tương đương với 19.782 hộ, đến cuối năm 2018 giảm còn 11,04% tương đương với 10.090 hộ, giảm tổng cộng 9.692 hộ, bình quân mỗi năm giảm 3,86%, tương đương với giảm 3.230 hộ).

Về công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã tổ chức 68 phiên giao dịch, hội thảo việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố, đã giải quyết việc làm mới cho 165.692 lao động, trong đó có 56.501 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp chung của tỉnh dưới 3%.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất từ Quỹ quốc gia về việc làm, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 11.473 dự án cho các hộ gia đình vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt với tổng doanh số cho vay 183 tỷ 915 triệu đồng, giải quyết việc làm thêm cho 13.362 lao động, trong đó có 3.341 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu về giải quyết việc làm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch cụ thể và mỗi năm đưa từ 200 lao động trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên 30 lao động. Trong giai đoạn 2014-2019, tỉnh đã đưa 1.571 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 302 lao động, đạt 167% kế hoạch; ngoài ra, người lao động được hỗ trợ các chính sách theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 được 53 lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và hỗ trợ cho vay tín chấp thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ vốn vay cho 698 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 301 lao động. Mức vay bình quân đối với 01 người lao động là 67,15 triệu đồng, với số tiền 46 tỷ 874 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Để khắc phục những hạn chế và thực hiện tốt hơn công tác giải quyết việc làm và thực hiện giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp như sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.

        - Đẩy mạng công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; giảm chi tiêu trong sinh hoạt, để tích luỹ kinh tế gia đình.

          - Nâng cao nhận thức đúng đắn của các ngành, các cấp và nhân dân về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trong vùng có đông đồng bào Khmer, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên.

- Tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, giải quyết việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và đưa lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần cải thiện cuộc sống.

- Phát huy vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

          - Thực hiện đầy đủ, kịp thời, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đúng đối tượng, tránh sai sót.

- Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 75-KH/TU ngày 08/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó, có nhiệm vụ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, huy động các nguồn lực để giảm nghèo nhanh và bền vững, trọng tâm là các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số thời gian quan, không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn mang cả ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững, thực hiện tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về dân tộc và đoàn kết dân tộc, đó là "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển", do vậy cả hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", để góp phần xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp.

Bài viết, ảnh: Minh Điền

1 2 3 4 5  ... 




 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 61
  • Trong tuần: 1 333
  • Tất cả: 1316458